Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Mùa nóng, uống nước đúng cách



Nước trong cơ thể có vai trò quan trọng như dưỡng khí (oxy). Cho cơ thể “uống” nước để sống lâu, cho cơ thể “uống” nước làm cho da sáng đẹp. Phương pháp uống nước đạt hiệu quả thật sự là: dùng một hơi (hay 1 lần) uống sạch một cốc nước (200 - 250 ml), chứ không phải chỉ uống 1, 2 hớp thì thôi, làm như vậy mới thật sự giúp cho cơ thể hấp thu và tận dụng.
* Uống có chất lượng: Cố gắng tránh thường xuyên uống nước lọc để quá 3 ngày (nước lọc có nhiều tính toan, dễ gây tổn hại cơ thể, đối với người có chức năng thận kém càng không tiện), có thể chọn loại nước suối chất lượng tốt. Nếu có điều kiện, uống nước kiềm tính rất có ích cho cơ thể, nếu không, sau khi lọc nước rồi nấu sôi thì dùng cũng tốt. Nói chung, nếu không còn cách chọn lựa nào khác, uống vẫn tốt hơn không uống!
* Tùy cơ ứng biến: Người đi làm công sở thường bỏ sót việc uống nước, lâu dần, bàng quang và thận sẽ bị tổn thương, dễ gây ra ê đau vai lưng. Chỉ cần tập thói quen uống nước từ từ, bàng quang quen “tiếp thu” thì số lần đi tiểu sẽ giảm bớt (người đi làm việc đừng nên ngại đi tiểu nhiều lần). Nhưng hàng ngày uống 8 ly nước, đi tiểu 7, 8 lần là chuyện bình thường, đó là sự cần thiết của chuyển hóa các chất. Hãy nhớ, mục đích uống nước chẳng phải vì thỏa mãn cơn khát, khi khát mới uống một ngụm nước sẽ vô bổ cho cơ thể.
* Uống nước ấm: Mùa hè viêm nhiệt, rất nhiều người thích uống nước lạnh. Thật ra nước đá không tốt cho chức năng của dạ dày, uống nước ấm càng có ích hơn, không chỉ giúp cho cơ thể tận dụng hấp thu, mà còn giúp đường ruột tiêu hóa.
* Uống nước bụng đói: Mọi lúc đều có thể uống nước, khi khát mới uống thường chỉ giải được cơn khát, nhưng “chưa hoàn tất công việc”. Phương pháp uống nước đạt hiệu quả là uống lúc bụng đói, nước sẽ trực tiếp lưu thông trong ống tiêu hóa, được cơ thể hấp thu, nếu uống nước sau khi ăn no, tác dụng đối với cơ thể sẽ không tốt bằng lúc bụng đói.
* Thời khóa biểu để uống nước:
- 6 giờ 30 sáng: Trải qua một đêm đi ngủ, cơ thể bắt đầu thiếu nước, sau khi ngủ dậy trước tiên uống một ly 250 ml nước, trợ giúp cho thận và bàng quang thải độc. Đừng bao giờ ăn sáng ngay, chờ khoảng nửa giờ để nước “ngấm” vào từng tế bào, sau khi tiến hành chuyển hóa các chất rồi mới ăn! Điều này rất quan trọng, vì nó giúp cho cơ thể thải độc.
- 8 giờ 30 sáng: Quá trình từ lúc ngủ dậy cho đến khi đi làm, thời giờ đặc biệt căng thẳng, cảm xúc cũng hơi bồn chồn, vô hình chung cơ thể sẽ xảy ra hiện tượng mất nước, cho nên, sau khi đến chỗ làm, xin đừng vội vàng “tán gẫu” cà phê, hãy cho mình một ly nước tối thiểu 250 ml đã!
- 11 giờ trưa: Sau khi làm việc một thời gian trong phòng máy lạnh, nhất định sẵn dịp đứng dậy lắc lư thân thể, cũng cho mình ly nước thứ 3 trong ngày, bổ sung phần nước bị mất, trợ giúp thư giãn cảm xúc trong công việc!
- 12 giờ 50 trưa: Sau khi dùng cơm trưa, uống một ít nước, thay thế được những thức uống có thể gây béo phì khác, vừa tăng cường chức năng tiêu hóa của cơ thể, vừa có ích cho sức khỏe.
* Cơ thể thực sự cần bao nhiêu nước?
Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
- Nếu bạn ăn nhiều rau quả, ít muối và các thức ăn chế biến sẵn, bạn đã hấp thu nhiều nước trong chế độ ăn, uống ít hơn một chút so với tiêu chuẩn khuyên dùng (8 ly) vẫn an toàn. Tuy nhiên, phụ nữ có thai vẫn cần đến những 10 ly nước, trong khi phụ nữ cho con bú cần đến 12 ly.
- Nếu ăn nhiều muối và các thực phẩm chế biến sẵn, bạn cần uống 8 – 10 ly để tẩy thanh chất sodium dư thừa hay những chất phụ gia trong thực phẩm. Dù có cảm giác khát hay không thì bạn vẫn phải uống nước, bởi vì cơn khát chỉ đến khi cơ thể bị mất nước rồi.
- Nếu tập thể dục hay vận động ngoài trời, bạn cần uống nhiều nước, nhưng không được quá độ, vì nó có thể gây co thắt cơ.
* Phải chăng bắt buộc uống nước lọc hoàn toàn?
Nếu như không thích nước lọc thuần túy, bạn vẫn có thể pha trộn nó với:
- Trà thảo dược nhưng không phải là trà có chất cafein, vì chất cafein hoạt động như là chất lợi tiểu và có thể rút nước trong cơ thể ra.
- Nước tăng lực thể thao: Nước tăng lực thể thao không hề tốt hơn nước thường, chúng không làm cho cơ thể mau bớt khát, mà còn có thể khiến bạn uống nước nhiều hơn.
- Nước ép rau quả: Nó cung cấp cả dưỡng chất và làm cho cơ thể bớt khát. Nhưng đường trong nước ép trái cây sẽ làm chậm tốc độ hấp thu nước.
* Những dấu hiệu nào cho biết cơ thể đang thiếu nước? Nếu bạn thấy mình có chuỗi diễn biến mô tả dưới đây là do bạn uống quá ít nước và cần phải nhanh chóng bổ sung thêm.
- Choáng váng, chóng mặt nhẹ - miệng khô - cơn khát ngày càng gia tăng - nước tiểu có màu vàng đậm - tiểu không thường xuyên (chưa đến mỗi 3,5 giờ/lần) - táo bón - yếu mệt - tim đập không đều - ngất xỉu - da khô.
Có thể bạn đã nhiều lần nghe câu: “Hãy uống nước nhiều hơn”. Tuy nhiên, đa số chúng ta không hoặc ít chú ý đến lời khuyên này. Một số nhà chuyên môn đưa ra lời khuyên rất đơn giản: mỗi ngày, mỗi kg trọng lượng cơ thể cần được bổ sung khoảng 30 g nước qua việc uống; ngoài ra nước còn được bổ sung vào cơ thể qua đường ăn (trong thức ăn) và nước sinh ra từ quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể. Tùy theo lứa tuổi, nhu cầu nước thay đổi, trẻ bú mẹ cần 0,3 - 1 lít/ngày, trẻ từ 1 - 1,5 tuổi cần 1 - 1,8 lít/ngày và người trưởng thành cần 1,8 - 2,5 lít/ngày. Với mỗi đơn vị đồ uống có chứa cafein, carbonat hoặc rượu (cồn), bạn cần uống  thêm nửa đơn vị nước để dung hòa.

Lương y Nguyễn Công Đức (Khoa y học cổ truyền, Đại học y dược TP.HCM)